Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ mới tại triển lãm |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương - cho biết, quá trình hội nhập của nền kinh tế thế giới, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt trên 7,2 tỷ USD. Ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đang có mức tăng trưởng bình quân khoảng trên dưới 12%, năm 2017 dự kiến xuất khẩu trên 7,8 tỷ USD, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện quy mô ngành gỗ Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 tại châu Á và thứ nhất tại Đông Nam Á. Do vậy, các DN trong ngành chế biến gỗ rất quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Phúc Vinh - cho hay, mấy năm gần đây các DN chế biến gỗ Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ rất quan tâm đầu tư dây truyền công nghệ cho sản xuất, xuất khẩu gỗ. Phúc Vinh đem đến dòng máy làm mộng ghế thế hệ mới hiệu quả cao, giảm tối đa số người đứng máy, công suất so với máy phổ thông tăng 6 lần, tiết kiệm được 12 nhân công. Máy chỉ cần 1 nhân công lập trình trên màn hình, máy tự động chạy, cùng một lần chạy 2 bàn mỗi bàn được 3 thanh trong khoảng 30 giây cho ra sản phẩm. Một máy đầu tư khoảng 450 triệu đồng, diện tích lắp đặt máy khoảng 5-6 m2, phù hợp với những DN vừa và nhỏ. Phúc Vinh đã bán máy cho các công ty như: Scansia, Phát Triển, Liên Phát...
Còn theo ông Cao Duy Tâm, Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Công ty VETTA - đại diện hãng Mereen Johnson đến từ Mỹ cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành một trong các quốc gia hàng đầu xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới và tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp này là rất lớn với nhu cầu sử dụng máy của của châu Âu, Ý, Mỹ ngày càng cao. Nắm bắt cơ hội này VETTA đem đến triển lãm những máy móc mới nhất của Mỹ có giải pháp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất nhằm giảm chi phí nhân công và tăng năng suất nhà máy.
“Tùy theo quy mô từng DN đầu tư nhà xưởng, để đầu tư trọn gói một dây chuyền của VETTA thì DN phải bỏ ra khoảng hơn từ khoảng 50 ngàn euro trở lên, nhưng thay vào đó giá trị thu về là rất lớn vì dây chuyền này ưu việt, độ bền máy cao, tiết kiệm được lao động rất nhiều, những dây truyền này chỉ phù hợp với những DN xuất khẩu lớn, VETTA sẽ tư vấn, thiết kế, cung cấp dự án nhà máy trọn gói theo dạng “chìa khóa trao tay” - ông Tâm cho biết thêm.
Đánh giá về hiệu quả khi tham gia triển lãm, ông Cao Quốc Sấm, Tổng giám đốc Công ty Long Phát CNC - cho biết, tham gia triển lãm lần trước công ty đã bán 50% máy mang tới. Trong lần tham gia này Long Phát CNC đem đến 16 loại máy toàn bộ tự động tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và nhân công. Đặc biệt có dòng máy bào 2 mặt, 1 lần bào cả 2 mặt, bào xong mặt gỗ láng hơn máy thông thường, giá thành của máy này khoảng 409 triệu. Hy vọng VietnamWood 2017 công ty sẽ bán được nhiều hơn so với lần triển lãm trước.