|
Khách tham quan xem một máy chế biến gỗ của doanh nghiệp nước ngoài tại triển lãm - Ảnh: Hùng Lê |
(TBKTSG Online) - Nhu cầu đầu tư mới, thay thế, nâng cấp máy móc, trang thiết bị của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong nước tăng cao trong bối cảnh ngành này đang tăng trưởng tốt.
Thông tin này được các doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ tại Triển lãm quốc tế công nghiệp máy chế biến gỗ Việt Nam (VietnamWood) lần thứ 12, khai mạc ngày 18-10 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh đang tăng trưởng tốt nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị mới nhằm tăng năng suất cũng như mở rộng sản xuất.
Ông Thanh đánh giá hoạt động của doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đang tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước, đạt 12-14% và tình hình cho thấy xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì ổn định vào những năm tới nên nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư, hay thay thế máy móc thiết bị cũ, nhằm tăng năng suất. Theo ông Thanh, tiền lương lao động trong nước ngày càng tăng cũng là một phần nguyên nhân để các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động nhằm giảm lượng lao động, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh.
Trong khi đó, theo ông Cao Duy Tâm, Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại (VETTA), doanh nghiệp cung cấp máy móc thiết bị chế biến gỗ của Ý, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc..., để giảm chi phí đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị mới. "Ngoài việc giảm lượng lao động, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại còn giúp doanh nghiệp tăng năng suất và tiết kiệm được nguyên liệu sản xuất", ông Tâm chia sẻ.
Theo ông Tâm, các doanh nghiệp trong những năm gần đây còn lắp đặt những công nghệ thiết bị hiện đại trên thế giới mang tính tự động hóa cao mà trước đây rất ít doanh nghiệp trong nước chịu đầu tư.
Theo các doanh nghiệp, nhiều năm qua các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sử dụng thiết bị có chất lượng trung bình nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thiết bị nhập khẩu từ châu Âu, Nhật để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng của khách hàng.
Ông Ingo Bette, đại diện các nhà sản xuất máy chế biến gỗ của Đức (German Woodworking Machinery Manufactures), cũng cho biết 10 năm trước thị trường Việt Nam còn rất bé so với các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan,.. nhưng hiện nay Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu Đông Nam Á, và đã trở thành thị trường mua nhiều máy móc thiết bị chế biến gỗ của Đức. Không chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản, theo ông Bette, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã và đang hướng đến những mặt hàng nội thất có giá trị cao nên đầu tư máy móc hiện đại hơn. Với đà này, ông Bette tin tưởng thị trường chế biến gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao vào những năm tới.
Không chỉ máy móc thiết bị, theo các nhà cung cấp gỗ thế giới, nhu cầu nhập khẩu gỗ cho việc chế biến của Việt Nam cũng đang tăng cao. Theo ông Tripp Pryor, Giám đốc chương trình quốc tế (International Program Manager) của Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (AHEC) Washington DC, cho biết nhìn thấy thị trường Việt Nam tăng trưởng cao, lần triển lãm này có đến 30 doanh nghiệp thành viên của AHEC Washington DC tham gia. Theo ông Pryor, nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ cứng Mỹ sang Việt Nam tăng 18%, đứng thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp, chế biến gỗ là ngành xuất siêu cao, tăng trưởng ổn định, ít phụ thuộc và có giá trị gia tăng gần 50%. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, doanh nghiệp không thể kỳ vọng phát triển bằng nhân công giá rẻ mà phải bằng công nghệ hiện đại và chất xám để tạo giá trị gia tăng.
Trước đó, lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 sẽ đạt khoảng 8 tỉ đô la Mỹ.
VietnamWood lần thứ 12 kéo dài đến ngày 21-10 tới, với hơn 320 nhà triển lãm từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia.
Các nhà triển lãm hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới có mặt ở bảy khu gian hàng quốc tế tại VietnamWood 2017, gồm gian hàng triển lãm của Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Đài Loan và Canada. Những nhà triển lãm quốc tế này mang đến một sự đa dạng lớn của các máy móc thiết bị chế biến gỗ và các bộ phận để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất trong nước.
VietnamWood được chi nhánh Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) và Công ty TNHH Dịch vụ tiếp thị và Thương mại Yorkers phối hợp tổ chức. |
|